Ngày 14/4/2023, Chi bộ Khoa Văn hóa – Du lịch và Công tác xã hội, Đảng ủy Trường Đại học Đồng Tháp tổ chức chuyến đi khảo cứu thực tế và báo cáo thuyết trình về giá trị di tích lịch sử văn hóa tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Gò Tháp (huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp). Chuyến đi là một trong những chuỗi hoạt động thuộc kế hoạch triển khai mô hình hay, cách làm hiệu quả năm 2023 áp dụng tại Chi bộ Khoa Văn hóa – Du lịch và Công tác xã hội. Mô hình hay, cách làm hiệu quả của Chi bộ Khoa được xây dựng từ thực tiễn hoạt động của chi bộ đối với các công tác xây dựng Đảng; học tập, quán triệt các chuyên đề, tuyên truyền nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng.
Khu di tích Gò Tháp thuộc ấp 1, xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. Với tổng diện tích khoảng 300 héc-ta. Khu di tích Gò Tháp hiện có các điểm tham quan như: Đền thần Vishnu Gò Tháp Mười; Đền thần Mặt trời phía nam Chùa Tháp Linh; Chùa Tháp Linh; Đền thờ Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều; Di tích đền thần Shiva Gò Minh Sư; Đền thờ Thiên hộ Võ Duy Dương; Miếu Bà Chúa Xứ và Đền thần Mặt trời gò Bà Chúa Xứ. Qua chuyến đi, đảng viên trong chi bộ Khoa hiểu được nơi đây được xem là nơi hội tụ của những giá trị đặc biệt về văn hóa, lịch sử, khảo cổ và tâm linh gắn liền với mỗi giai đoạn lịch sử hình thành của vùng đất Đồng Tháp Mười.
Định kỳ mỗi tháng, đảng viên của chi bộ đăng ký thực hiện báo cáo, thuyết trình về các giá trị di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh và làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Qua đó, đảng viên trong chi bộ cùng nhau thảo luận về một số giải pháp cho công tác bảo tồn, phát huy và quảng bá các giá trị di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh và làng nghề truyền thống ở Đồng Tháp.
Mô hình góp phần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng vẻ vang và quảng bá các giá trị văn hóa của địa phương trong đảng viên tại chi bộ. Qua đó, góp phần làm phong phú hơn hình thức tổ chức hoạt động sinh hoạt chuyên đề tại chi bộ và nâng cao chất lượng hoạt động của chi ủy, chất lượng chương trình sinh hoạt định kỳ, tăng cường hiệu quả công việc của từng cá nhân, tổ chức đoàn thể trong đơn vị, từ đó góp phần hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị của chi bộ Khoa. Đồng thời, mô hình giúp cho đảng viên, giảng viên và sinh viên của chi bộ Khoa nhận diện được thực trạng công tác bảo tồn các giá trị lịch sử văn hóa và định vị được tiềm năng phát triển các loại hình sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
Trong thời gian tới, Chi bộ Khoa Văn hóa – Du lịch và Công tác xã hội sẽ tiếp tục tổ chức nhiều lượt đi khảo cứu thực tế để đảng viên trong chi bộ Khoa báo cáo thuyết trình về giá trị lịch sử văn hóa tại các địa điểm như: Khu di tích Tiền hiền Nguyễn Tú (Tp. Cao Lãnh); Khu di tích Kiến An Cung (Tp. Sa Đéc); Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê (Tp. Sa Đéc); Làng hoa kiểng Sa Đéc (Tp. Sa Đéc); Vườn Quốc gia Tràm Chim (huyện Tam Nông); Làng nghề dệt choàng (khan rằn) Long Khánh (huyện Hồng Ngự); Đình Phú Hựu (huyện Châu Thành); Bia lưu niệm Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Đồng Tháp (Tp. Cao Lãnh); Làng nghề làm Nem (huyện Lai Vung); Khu di tích Xẻo Quít (huyện Cao Lãnh); Chợ chiếu Định Yên (huyện Lấp Vò); Đình Tân Tịch (Tp. Cao Lãnh); Bảo tàng tỉnh Đồng Tháp (Tp. Cao Lãnh); Đền thờ ông bà Đỗ Công Tường (Tp. Cao Lãnh); Tượng đài tưởng niệm sự kiện tập kết năm 1954 (Tp. Cao Lãnh); Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc (Tp. Cao Lãnh).
- Một số hình ảnh trong chuyến đi tại Khu di tích Gò Tháp:
Tin: Dương Tùng
Ảnh: Chánh Băng